Dật sự Lý Thạnh

Tháng giêng năm Hưng Nguyên đầu tiên (784), Thạnh cùng Lý Hoài Quang đồn trú Hàm Dương, nhiều lần giao chiến với phản quân, Hoài Quang ngày càng sinh lòng đố kỵ với Thạnh. Mỗi lần ra trận, Thạnh đều khoác áo gấm, đội mũ thêu, đi trước tướng sĩ, tự mình chỉ huy. Hoài Quang trông thấy thì ghét lắm, hỏi Thạnh sao lại gây chú ý như vậy, ông đáp rằng mình chinh chiến ở Kính Nguyên quân đã có uy vọng, binh sĩ Kính Nguyên dưới quyền Chu Thử nhận ra mình thì ắt phải khiếp sợ. Hoài Quang nghe rồi càng ghét thêm. Đến khi Hoài Quang ra mặt làm loạn, Đức Tông bỏ Phụng Thiên chạy đi Lương Châu. Trong cơn hoảng hốt, trăm quan tòng giá 10 phần còn được 2, 3; lại thêm đường sá hiểm trở, nhu yếu thiếu hụt, đế than thở lẽ ra nên sớm nghe theo lời Thạnh. Tháng 3 ÂL, binh lực của Thạnh đã dần lớn mạnh, xa giá đang ở Sơn Nam [17], đã vào Lạc Cốc Đạo, Đức Tông hỏi Hồn Giam rằng Thạnh có thể lo liệu được không, Giam khẳng định ông vừa trung thành vừa tài năng, nhất định thành công, đế mới yên lòng. Trong tháng ấy, đế sai bộ tướng của Giam là Thượng Quan Vọng đem chiếu thư đến gia Thạnh thêm quan chức.

Khi Thạnh mới đồn trú Vị Kiều, sao Huỳnh Hoặc (sao Hỏa) phạm sao Tuế (sao Mộc), Tân Giới suy đoán đây là điềm lành cho nhà Đường, khuyên ông ra quân. Thạnh lấy cớ thiên tượng xa xôi, không thể biết được để từ chối. Sau khi giành lại Trường An, Thạnh mới thú thực với bộ hạ rằng ông không muốn căn cứ vào thiên tượng để ra trận, vì chẳng có gì đảm bảo sao Huỳnh Hoặc lại không phạm sao Tuế lần nữa, khi ấy sẽ ảnh hưởng đến lòng quân. Mọi người đều khâm phục.

Khi Thạnh đang ở Phượng Tường, hoạn quan Doãn Nguyên Trinh cầm cờ tiết tuần thị 2 châu Đồng [18], Hoa [19], nhân đó đi Hà Trung khuyên hàng Lý Hoài Quang. Thạnh đàn hặc Nguyên Trinh làm giả mệnh vua, có ý giúp phản tặc thoát tội; đồng thời chỉ ra những lý do không thể tha cho Hoài Quang, xin đưa 5000 quân đi bắt hắn ta. Đức Tông lấy cớ đã giao việc này cho Hồn Giam, Mã Toại, không cho.

Thượng Kết Tán của Thổ Phồn tìm cách ly gián, bọn Trương Duyên Thưởng cũng tìm cách phỉ báng Thạnh trong triều. Thạnh biết được, khóc đến sưng mắt, đưa con em về Trường An, dâng biểu xin gọt tóc làm tăng, đế ủy dụ, không cho. Sau khi về triều, Thạnh lấy cớ có bệnh, khẩn xin từ nhiệm, đế không cho. Đế ban dụ chỉ cho Thạnh và Duyên Thưởng giải hòa, rồi 2 người kết làm anh em, bày tiệc qua lại ở phủ đệ của nhau rất vui vẻ. Sang tháng giêng ÂL năm Trinh Nguyên thứ 3 (787), Thạnh cầu hôn con gái của Duyên Thưởng cho con trai mình, ông ta không đồng ý. Thạnh phàn nàn rằng mình là kẻ võ phu, cạn chén rượu thì quên hết oán cũ, còn bọn văn sĩ thì ngoài mặt hòa giải, trong bụng vẫn không thôi, đúng là đáng sợ!